Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

CHUYỆN Ở Ô MÔN.





Năm 1991, tôi nhận huấn luyện DC cho một nhóm học viên thuộc Phật Giáo Hòa Hảo ở Ô Môn, TP Cần Thơ. Chương trình gồm 3 tuần, buổi sáng chữa bệnh cho bệnh nhân và huấn luyện thực hành tại một phòng chẩn trị gần chợ Ô Môn, buổi chiều dạy lý thuyết.

TÀ CÒN MÀ BỔ THÌ BỔ BIẾN THÀNH TÀ.
Tối Chủ nhật cuối tuần thứ hai, một chị đứng tuổi dẫn theo 3 cậu thanh niên vào nhà Ba Thăng gặp tôi - chủ nhà cho tôi tạm trú. Sau khi chào tôi, quay mặt về sau chị nói “chào thầy đi con”.Đi ngay sau chị là một thanh niên ốm teo nhìn tôi, không có một cử chỉ gì chứng tỏ là “chào thầy” mà còn nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt đỏ lừ như máu, ngay sau cậu ta là hai thanh niên lực lưỡng. Tôi hiểu ngay mình đang đối diện với một bệnh nhân tâm thần, đã nghe học viên Khôi đề cập. Nhìn cậu, tôi hơi ớn…….vì sợ bị cậu oánh bất ngờ…….hihi.
Sau khi mọi người an tọa, mẹ Giang (tên thanh niên bệnh nhân) kể, đại khái như sau:
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia về một thời gian ngắn, cậu bị bệnh. Được BV Tâm Thần Cần Thơ điều trị ngoại trú cả năm nay, tuy có ổn định hơn nhưng không khỏi. Hiện trạng ăn uống bình thường nhưng ít ngủ, không chịu ngồi yên một chổ mà cứ đi loanh quanh suốt ngày, nếu không có mẹ hay anh em canh giữ là cậu đi ra đường, thỉnh thoảng lại lên cơn đập phá đồ đạc trong nhà, có khi đang ngồi thì đập bàn đập ghế quát tháo ai đó. Những khi như vậy được cái là mẹ cậu nói cậu còn biết nghe lời, dịu lại ngay. Nhưng bà lại phải ra chợ buôn bán, cứ thường phải chạy về can thiệp vì khi lên cơn thì anh em cậu không nói được cậu, có khi hai người anh em phải bắt trói cậu khi mẹ chưa về kịp.

Nhận định đây là bệnh tâm thần dạng hưng phấn. Giở trò cũ đánh lạc hướng bệnh nhân, tôi ngồi bên cạnh, nắm hai cổ tay cậu nói luyên thuyên không cần nghe trả lời, vì cậu ta có trả lời đâu mà phải nghe ……hihi!! Đây là thủ pháp truyền khí công Âm Dương cho bệnh nhân. Nào là cháu tên gì, bao nhiêu tuổi, ăn cơm thấy ngon hông, uống nước có nhiều hông, ngủ có ngon hông……vv và vv……Liếc đồng hổ thấy đã đủ 2 phút, tôi buông tay nói xong rồi. Mẹ và anh em cậu có vẻ ngạc nhiên, tôi cho biết cần phải từ từ, cứ bình tỉnh; Khôi đứng bên cạnh nói thêm cho gia đình yên tâm ra về.
Tối hôm sau, thứ hai của tuần, vừa bước vô nhà, Giang gật đầu chào tôi với 2 từ “chào thầy”. Tôi mừng rỡ khi nhìn thấy đôi tròng mắt của cậu đã chuyển sang màu hồng. Lại nói linh tinh nhưng lần này tôi đặt các đầu ngón tay lên mặt Giang lần lượt theo nửa Bộ Giáng (xem bài BỘ GIÁNG), Mỗi huyệt 2 phút rồi cho về.
Lần thứ ba, thứ ba của tuần, tôi đưa que dò cho Giang coi, rồi quẹt nhè nhẹ lên tay cậu để cậu yên tâm là không đau đớn gì và nói “để thầy day huyệt cho cháu mau hết bịnh nha”, Giang gật đầu. Tôi yên tâm không lo bị oánh nữa …….hihi……nên day cho cậu trọn bộ Giáng, nhưng nhẹ nhẹ thôi không dám gây đau……chắc các bạn cũng biết lý do rồi……hihi. Cứ thế, Giang dần tươi tỉnh. Đến thứ năm, Giang đã chịu ngồi yên, sinh hoạt cười nói bình thường với gia đình, nhìn bên ngoài như người không có bệnh gì.
Kế hoạch của tôi là chủ nhật tôi về lại Sài Gòn vì chương trình giảng dạy đã hoàn tất và cũng đã nhớ nhà nhớ con gái bé bỏng của tôi quá rồi. Sáng Thứ sáu, tôi đề nghị gia đinh đưa Giang đến phòng chẩn trị để chửa trị như mọi bệnh nhân khác. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định châm bộ BỔ MÁU (tiền thân BỔ ÂM HUYẾT) vì Giang có hiện tượng của huyết kém nặng.
Sáng thứ Bảy, gia đình cho biết sáng nay Giang lại trở chứng hục hặc với hai anh em, lại đi đi lại lại, tuy không nặng như trước nhưng rõ ràng là bệnh tăng lại. Tôi sực nhớ câu “tà khí còn nặng mà bổ thì bổ sẽ biến thành tà”. Đây là hiện tượng thường gặp trong phương thang (thuốc), nhưng không ngờ hôm nay tôi lại gặp chứng này trong phương huyệt châm cứu. Thời đó, tôi còn thường ưu tiên cho kỹ thuật châm kim vì nhanh gọn hơn day ấn. Thế là tôi lại phải trở lại với Bộ Giáng và để lại “cẩm nang’ cho Khôi (học viên cứng nhất lớp) để Khôi châm tiếp cho Giang, mỗi tuần châm thử Bổ Máu một lần, nếu bệnh nhân không trở chứng thì cứ bổ máu cho đến khi khỏi bệnh.

Hai tháng sau, Khôi gởi thư cho tôi biết Giang đã khỏi bệnh sau 1 tháng điều trị thêm, chỉ châm thử  Bổ Máu một lần sau tuần đầu tiên mà không thấy trở chứng.
Lần kỹ niệm 14 năm thành lập Diện Chẩn (năm 1994) được tổ chức ở nhà Văn Hóa Thanh Niên, Khôi và vợ chồng anh Ba Thăng lên tham dự và đã báo cáo trường hợp này trước tập thể.
Hóa ra, trong châm cứu bấm huyệt kể cả trong DC cũng có thể xảy ra “Tà còn mà Bổ thì Bổ biến thành Tà” chớ không phải chỉ xảy ra trong phương thang.
12-04-2014.
Sài Gòn, quận 10.

TĂNG HUYẾT ÁP VÌ NHIỄM LẠNH TRÊN NỀN HUYẾT ÁP CAO DƯƠNG CHỨNG.

6g30 sáng, vừa bước ra cửa chờ anh Ba Thăng đưa đi ăn sáng thì một cô gái chạy xe gắn máy tới hỏi lớn “ thầy Phước đâu rồi ?”. Chị Ba Thăng đứng ngay sau lưng tôi trả lời “thầy Phước đi ra chợ ăn sáng rồi, có chuyện gì hôn?” – Thầy Phước là lương y trưởng phòng khám địa phương.
-          Cô thầy Phước bị lên huyết áp, nguy lắm !
-        -  Thôi…….. có thầy Minh ở đây, thầy vô đó giùm chớ biết thầy Phước ở đâu ngoài chợ mà kiếm?

Vậy là tôi phải “thế mạng”……..hic!

Chở chị Ba Thăng sau lưng, tôi chạy băng băng theo cô gái trên đường làng ngoằn ngoèo hơn 1 cây số, bề ngang chưa tới 1 thước, nhiều chổ xe tưng lên thiếu điều hất 2 chị em tôi xuống ruộng mới vừa lòng – cũng may tôi thuộc hàng “tay lái lụa”…….nên không sao ……hihi. Bước vào nhà, bà cụ gầy ốm đang nằm rên hừ hừ, bàn tay bàn chân co lại dạng như kiểu hạ calci huyết. Đo huyết áp, tôi bơm lên 200, xã hơi thì thấy kim giật ngay và lui khá xa, tức là HA cao hơn 200 và là dương chứng. Tôi xã hơi máy đo ngay, sờ thấy tay chân bà lạnh ngắt như nước đá. Sở dĩ tôi không đo đúng quy trình để xem số dưới của huyết áp (Tâm trương) vì ở đây cần nhanh, can thiệp gấp càng sớm càng tốt.

Huyết áp cao âm chứng, tay chân lạnh tôi gặp rất nhiều nhưng trường hợp này thì ngược lại HA cao, tay chân lạnh mà lại dương chứng, có điều gì nghịch lý ở đây? Để y máy đo như vậy, tôi suy nghĩ và rất phân vân. Rõ ràng là không thể đưa bà đi bệnh viện trong tình thế đường xá và phương tiện như vậy, chắc chắn bà sẽ bị tai biến ngay khi vừa ra khỏi nhà. Can thiệp thì hiện tượng vừa nghịch lý vừa nặng như vậy, chỉ cần một chút sơ sẩy là………hết đường cứu vãn. Sau vài giây, tôi thầm nghĩ  “một là cứu được bà cụ, hai là……….chuyện gì tới sẽ tới!…..chớ làm sao thối lui được !??”

Tôi đành làm theo đúng nguyên tắc đã tìm ra: huyết áp cao dương chứng thì day bộ Giáng. Thử chiêu thứ nhất này xong, đo lại, HA vẫn cao hơn 200. Tôi lại dùng hơ ngãi bộ Điều Hòa (vì hàn chứng ở biểu), đo lại vẫn vậy. Cuối cùng, tôi quyết định hơ bộ Thăng, nhưng không dám hơ mạnh mà chỉ hơ mỗi huyệt một lần (thử xem sao !), vừa xong bộ Thăng lần thứ nhất, nghe bà thở hắt nói “ đở rồi thầy ơi”, thế là tôi yên tâm hơ tiếp cho đủ liều lượng bộ Thăng. Xong trọn bộ Thăng với 3 vòng hơ, bà mở mắt ra nói “khỏe rồi……cám ơn thầy”. Tôi mừng rỡ, đo lại huyết áp cho bà đúng quy trình, kết quả 170/100, lui kim 3 nấc (6mmHg). Trên lý thuyết, như vậy chưa đạt chuẩn an toàn, tôi định hơ một lần nữa thì chị Ba Thăng nói “được rồi đó thầy ơi, bà cụ này chuyên môn 170,180 không hà…….lâu lắm rồi”.

Tôi thốt nhiên hiểu ra, bệnh nhân bị huyết áp cao dương chứng mạn tính, nay bị trúng lạnh khiến HA tăng vọt hơn lên. Tôi thở phào vì xém chút nữa lại khiến bà tăng HA trở lại, mất công hóa giải……….hihi……..và cũng vui vì vừa gặp một trường hợp hiếm, nguy hiễm vì nghịch lý mà hóa giải được. Thêm một kinh nghiệm lâm sàng sáng tỏ thêm về y lý cho tôi.

Trên đường về, chị Ba Thăng nói:
-        -  Thấy bà cụ như vậy, em toát mồ hôi hột và hồi hộp quá.
-         - Tui cũng có hơn gì đâu ? Chị không thấy mồ hôi tui ướt nhẹp áo à?
-         - Dạ thấy chớ…….....tới chừng nghe bà cụ nói đở rồi, em mới hết hồi hộp. Thầy hay thiệt !
-         - Hay gì ?..........hay không bằng hên chị ơi !!!!

Tối hôm đó, Phước ra mời tôi đi uống cà phê. Lần đầu tiên cậu chính thức tiếp xúc với tôi, vì cả tuần qua chỉ gật đầu chào khi gặp nhau ở phòng khám.
Câu đầu tiên khi ngồi vào ghế ở quán cà phê là Phước cám ơn tôi đã cứu bà cụ hồi sáng. Cậu tỏ ý ngạc nhiên là sao hiệu quả cấp kỳ như vậy, thường cậu phải sắc thuốc, cho uống, thì tổng thời gian cũng phải xấp xỉ 2 giờ sau mới hạ HA xong. Tôi nói ý nghĩ của tôi hồi sáng khi đối diện với bà cô của Phước rồi kết luận cũng là may mắn thôi.
Trò chuyện, mới hay Phước nhỏ hơn tôi vài tuổi, mồ côi cha mẹ, ở với cô ruột từ nhỏ, theo nghề cũng khá lâu, thuộc hàng có danh ở chợ Ô Môn (cái này là do các học viên nói chớ Phước không nói, cậu tuy nhỏ tuổi nhưng Tâm và Tánh khá thuần hậu trầm tỉnh). Phước hỏi tôi nhận định thế nào về bịnh tình bà cô và có ý kiến gì tư vấn giúp cậu, vì từ lâu cậu chỉ khống chế HA cho bà cụ ở mức 170/100 chớ không thể giãm hơn. Tôi hỏi:
-         -Lâu nay em điều trị cho cô theo phương hướng nào?
-         -Em nhận thấy bà bị Can Dương vượng nên theo hướng Bình Can, Giáng nghịch.
-         -Theo anh thì bà cụ bị âm hư nặng, nên theo hướng bổ âm. Lấy bài Lục Vị gia giãm mà trị có thể kéo HA bà trở về tiêu chuẩn.
-         -Anh có thể cho em phương thang cụ thể không?
-          -Hihihi………anh hiểu y lý chớ không rành thuốc. Không dám ra phương thang đâu. Em cứ theo hướng dưỡng âm thì tốt hơn là bình can giáng nghịch, vì theo anh trường hợp này bình can giáng nghịch chỉ trị chứng chứ không trị được bệnh đâu.
Trước khi ra về, Phước ngỏ ý nhờ tôi hội chẩn một ca bệnh cả năm nay cậu không giải quyết được. Gọi là hội chẩn vì cậu sẽ mời một lương y tên Thanh ở huyện kế bên sang để cả ba cùng xem xét.

Một năm sau, tôi có dịp ghé lại Ô Môn, Phước cho biết HA của cô cậu đã bình ổn ở mức tiêu chuẩn 120/70, khỏe mạnh. Hai anh em lại một phen lai rai cà phê tâm sự đến khuya vì cả hai đều không biết uống “gụ” - rượu, theo kiểu phát âm của người miền Tây Nam Bộ……hihi .
Quận 10, Sài Gòn, 13-04-2014.

BÊN TRÁI RÚN CÓ ĐỘNG KHÍ LÀ BỆNH Ở CAN ?

Hai hôm sau buổi cà phê giao lưu đầu tiên, sáng sớm ở phòng chẩn trị, Phước mời tôi sang tổ châm cứu, Lương y Thanh và bệnh nhân đã có mặt. Hóa ra bệnh nhân là cậu thanh niên tôi thường gặp nằm ở giường với hàng chục cây kim gắn điện xung ở lưng mỗi ngày. Phòng thuốc ở ngoài cùng, phòng châm cứu ở giữa và DC ở trong cùng nên ngày nào tôi cũng gặp bệnh nhân này.

Sau màn giới thiệu ngắn gọn, Phước nhường cho Thanh trình bày. Đại khái là hai anh em đồng nghiệp và đồng môn huynh đệ này rất nhức đầu với ca bệnh. Đã một năm mà không chuyển biến gì nên đành châm cứu cho Tùng đở mệt mà thôi – tên bệnh nhân. Thanh luận giải khá nhiều, tôi không nhớ hết nhưng tóm lại là bệnh thuộc hư hàn, gốc ở Can. Tôi hỏi:
-          Sao các bạn biết ở Can ?
-          À……..ngoài mạch lý ra, tụi em còn phát hiện bên trái rún của BN có động khí. Anh sờ thử coi. Thanh trả lời – Thanh và Phước đều nhỏ tuổi hơn tôi.
Lần đầu tiên tôi gặp hiện tượng này, dù đọc trong y-thư đã lâu; tôi tò mò đặt các đầu ngón tay vào cạnh bên trái rún của Tùng. Quả thật, nơi này cứ nảy lên từng nhịp đều đặn và liên tục, lạ thiệt……..hihi.

Suy nghĩ một chút, tôi liên tưởng đến vùng này là vùng động mạch chủ bụng đi qua. Nhưng thông thường không thể nhận biết hoạt động của động mạch chủ bụng này vì nó nằm khá sâu trong ổ bụng; sờ mạch ở cổ tay, tôi thấy cả hai đồng nhịp điệu. Tôi hỏi bệnh nhân:
-          Bịnh của em có triệu chứng ra sao?
-          Dạ, em mất ngủ luôn vì không thể nằm ngữa được, cứ phải ngủ theo kiểu nữa nằm nữa ngồi hoặc ngồi mới được !
-          Tại sao em lại không nằm được?
-          Dạ……tại vì hể nằm một lát là em mệt không chịu được, phải ngồi mới khỏe.
-          Nằm nghiêng thì sao?
-          Nằm nghiêng thì cũng không thoải mái lắm …….nhưng không mệt như nằm ngữa…….. nhưng cũng không ngủ được khi nằm nghiêng cho nên em cứ phải nửa nằm nửa ngồi mới không mệt và ngủ được…….mà cứ bị thức giấc nhiều lần nên mệt vì thiếu ngủ.
-          Thường thì nằm bao lâu mới lên cơn mệt ?
-          Dạ chừng vài phút, em không để ý.
-          Em đang khỏe đúng không?
-          Dạ……..
-          Em nằm xuống rồi chừng nào bắt đầu mệt thì nói nha.    
Tùng nằm ngữa ra giường, một lát sau cậu than mệt và ngồi dậy. Tôi nhìn đồng hồ: 5 phút.
Tôi đốt điếu ngãi cứu, chờ Tùng khỏe hẵn, bào cậu nằm xuống, hơ xức dầu bộ Thăng và phản chiếu vùng tim ở mặt và biểu Tùng cứ nằm đó khi nào cảm thấy bắt đầu mệt thì nói tôi biết. Thời gian trôi qua, 15 phút sau Tùng cho biết có cảm giác mệt nhưng chịu được chưa cần phải ngồi dậy. Tuy nhiên, tôi cũng cho Tùng ngồi dậy vì ý đồ chẩn trị của tôi đã đạt. Và tôi chợt nhớ đến chứng Tâm Huyền được Danh y Trương Trọng Cảnh nói đến trong Kim Quỹ Yếu Lược – giới Đông Y xem ông Trương Trọng Cảnh như một Y-tổ.
Hỏi thêm, Tùng cho biết cậu là cầu thủ nằm trong đội tuyển bóng đá của Huyện.
-          Khát nước trong khi luyện tập hay thi đấu, em uống như thế nào? Uống ừng ực hay…… uống từ từ ?
-          Em uống ừng ực……….uống nhiều lắm.
-          Sai lầm của em là ở chổ đó. Uống lẹ và nhiều như vậy khiến thủy thấp (nước) không luân chuyển kịp mà đọng lại ở vùng tim khiến mạc treo tim bị trương nước, dãn ra và tim không còn được cố định trong lồng ngực nên khi nằm ngữa, tim thòng xuống đè lên động mạch chủ ngực. Máu không thông suốt dễ dàng khiến tim phải đập mạnh lên để vượt qua trở ngại do chính nó gây ra. Vì thế mà mệt khi em nằm ngữa, không sa dạ dày là còn may……….hihi.
Tôi nói chuyện với Tùng mà cũng để giải thích với Phước và Thanh về trường hợp này: đôi khi phải dùng kiến thức Tây Y để luận bệnh. Tây hay Đông y đều có sở trường và sở đoản cả. Phối hợp 2 kiến thức một cách hợp lý sẽ nâng cao khả năng chẩn đoán vì cái thấy của mình sẽ rộng hơn. Chẩn đoán đúng, điều trị mới đạt, giãm sai lầm, là điều hiển nhiên. Đó là quan điểm của tôi.
Hôm sau, tôi lại dùng phác đồ cũ. Tùng khỏi bệnh chỉ sau 2 lần điều trị. Về sau, khi gặp hiện tượng này, rất thường gặp ở người lớn tuổi, tôi đều giải quyết thành công thường chỉ cần 1-3 lần điều trị. Tuy nhiên nếu BN có huyết áp cao dương chứng thì không nên trị ngay mà cần đưa HA của bệnh nhân trở về trạng thái âm chứng hoặc ít ra cũng là cân bằng âm dương (lui kim ít hơn 4mmHg). Nếu không, bạn có thể gây tai biến cho BN.
Quận 10, Sài Gòn, 13-04-2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét