Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

ĐỘT QUỴ VÀ XỬ TRÍ.



Nghĩa đen của ĐỘT QUỴ là quỵ xuống một cách đột ngột. Người ta có thể quỵ xuống đột ngột khi tinh thần khủng hoảng, khi tuột đường huyết, hoặc khi có một biến cố của hệ tim mạch.
Đột quỵ có khá nhiều nguyên nhân xa hay gần, nhưng nếu có liên quan đến hệ tuần hoàn (còn gọi là hệ tim mạch) tỷ lệ để lại di chứng rất cao. Vì vậy, muốn phòng ngừa việc đột quỵ chúng ta cần giữ cho hệ tim mạch luôn luôn khỏe mạnh. Ngoài trường hợp bẩm sinh, giữ cho hệ tim mạch khỏe mạnh là một việc không khó; sống luôn đúng phép dưỡng sinh nhưng cần kiên trì và chặc chẽ hàng ngày, cái này mới khó…...
Kiên trì tập thể dục (không cần chơi thể thao), điều độ trong mọi sinh hoạt ăn uống, làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn, thiền định càng tốt. Thời gian gần đây,”dân chơi” người VN mình lạm dụng từ thư giãn để chỉ sự vui chơi; trong khi bản chất vui chơi là một kiểu hoạt động khác của thể xác hoặc tinh thần, còn thư giãn bản chất là thả lỏng toàn thân từ tinh thần đến thể xác. Lưu ý điểm này kẻo hiểu lầm tai hại…..! Như nghe nhạc sau khi làm việc mệt mỏi thực ra là một kiểu bắt cơ thể hoạt động khác đi để tránh nhàm chán gây căng thẳng, nhưng tai và não vẫn hoạt động để cảm thụ và phân tích âm thanh. Thư giãn đúng nghĩa chỉ có thể là Thiền Định hoặc ngủ.Thiền có cấp độ thư giãn cao hơn ngủ, vì trong khi ngủ bạn có thể nằm mơ, cũng là một dạng hoạt động khác của não. Còn khi Thiền đúng mực, não bộ được nghỉ ngơi hoàn toàn. Cho nên khi Thiền sâu, không ngủ vẫn tỉnh táo.
Khi hệ tim mạch đã biến đổi xấu đi thì việc tái lập sự khỏe mạnh của chúng lại khó hơn, cần kiên trì và chặc chẽ hơn nữa.
Khó, vì các biến đổi xấu đi của tim mạch gồm hệ quả của các cơ quan khác và cả của chính nó. Nó có thể biến đổi theo nguyên lý, cơ chế của Tây y lẫn Đông y.
Kiên trì vì các biến đổi của tim mạch là một quá trình trục trặc tâm sinh lý dài lâu mới thành hệ quả. Cần có thời gian để đẩy lùi các trục trặc đó.
Chặc chẽ vì sau khi đã bị biến đổi, chúng rất dễ phát triển thêm mà lại khó bị đẩy lui. Mà trong cuộc sống ngày càng phức tạp như hiện nay chúng ta dễ bị lơ đãng, hoặc rơi vào một tình thế khó giữ vững nề nếp của mình.
Thêm một điểm khó nữa là cần giữ vững tâm lý của mình trong suốt cuộc hành trình đẩy lui bệnh hệ tim mạch hay các bệnh khác: sự thanh thản, an nhiên tự tại. Chữa bệnh nhưng vẫn phải giữ tinh thần thoải mái không lo sợ buồn phiền gì cả, chỉ thuần túy là thực hiện các hoạt động cải thiện sức khỏe mà thôi. Nói cách khác là giữ cho Tâm (tinh thần) khỏe mạnh dù thân đang bệnh. Muốn vậy, không gì bằng THIỀN ĐỊNH. Hãy tập thiền định khi còn đang khỏe mạnh, phơi phới sức sống. Thiền định rất tốt, tuy không phòng chống được mọi bệnh tật nhưng nó giúp chúng ta vượt qua mọi sự một cách tương đối dễ dàng kể cả bệnh tật hay các tai nạn khác của kiếp người.
Vì vậy, mà các bạn thấy trong tài liệu của tôi, khi nói đến bệnh hệ tim mạch tôi luôn nhắc nhở việc dùng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bởi vì một BS kể cả BS nội khoa tuy cũng hiểu biết về tim mạch nhưng kiến thức và kinh nghiệm về tim mạch không đầy đủ và sâu sắc như BS chuyên khoa TM.
Đôi lời chân tình, mong các bạn lưu tâm.
Với kiến thức không hoàn chỉnh (vì tôi không phải là BS chuyên khoa tim mạch), với kinh nghiệm chưa đầy dặn (vì tuổi đời còn kém nhiều bậc lão y), với lãnh vực hạn hẹp là chỉ chuyên về dùng huyệt (trong đó, phần nhiều là thuộc Diện Chẩn), tôi viết bài này chỉ nhằm nêu lên, đóng góp một vài kinh nghiệm nhỏ trong lãnh vực tim mạch và đột quỵ đã gặp và đã xử trí mà thôi.

ĐỐI PHÓ VỚI ĐỘT QUỴ.
Như đã nêu trên, đột quỵ chỉ là hiện tượng giống nhau của nhiều bản chất khác nhau. Do đó, việc can thiệp cấp cứu đột quỵ không đơn giản như một số bài viết xuất hiện trên internet.
Nếu khi đó mà bạn đo được huyết áp và phân biệt được HA âm chứng hay HA dương chứng thì việc cấp cứu tại chổ mới có tỷ lệ thành công cao, bằng không sẽ dễ gây tai hại thêm khi nhầm lẫn thủ pháp khiến tình hình nguy ngập thêm, nếu may mắn không hại thêm thì lại làm chậm lại cơ may cấp cứu cho BN tại BV……mà trường hợp này, nhanh chậm vài giây có ý nghĩa lớn và vô cùng quý giá.
Cho nên tốt nhất là đưa ngay BN đến bệnh viện gần nhất.
Trong khi trên đường đến BV bạn có thể tạm thời can thiệp như sau:
Đo HA theo cách của tôi đã hướng dẫn để biết BN có đang bị cơn cao HA hay không, và là HA dương hay âm chứng.
Nếu HA bình thường hoặc thấp, chỉ cần bấm 19 cho BN tỉnh dậy. Xem thêm bài ngất xỉu trong tài liệu của tôi.
Nếu HA cao dương chứng: Uống thuốc hạ huyết áp nếu có. Day bộ Giáng ở mặt, có thể kết hợp với thủ pháp chích nặn máu ở Thập Tuyên (đầu 10 ngón tay, ngón chân). Nếu không thành công ngay thì day Bổ Âm Huyết ở mặt và không làm gì thêm.
Nếu HA cao âm chứng. Uống thuốc hạ huyết áp nếu có, hơ bộ Thăng ở bàn chân, có dầu càng tốt.
Nếu chỉ biết HA bệnh nhân cao mà không biết được tình trạng HA là âm hay dương chứng thì thuốc hạ huyết áp là cần thiết mà không làm gì thêm……..và cũng như nếu không biết tình trạng HA của BN thì không can thiệp gì cả, chờ để BV can thiệp là tốt nhất.


ĐỀ PHÒNG ĐỘT QUỴ.
Đột quỵ luôn có liên quan đến bệnh lý của hệ tim mạch. Vì thế muốn không đột quỵ ta cần có một hệ tim mạch khỏe mạnh. Nhưng nếu lỡ mang bệnh thuộc hệ tim mạch thì làm sao đây?
Hãy chọn bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị cho mình, luôn tuân thủ quy trình điều trị và theo dõi của bác sĩ…….. Và sinh hoạt sống theo đúng PHÉP DƯỠNG SINH của Đông Y.
1.      Theo Tây y: uống thuốc đúng giờ, đúng liều, luôn có ít nhất một viên thuốc cấp cứu huyết áp trong túi, kể cả đang ở trong nhà. Vì có nhiều trường hợp HA đột biến, BN cảm nhận được, đi lấy thuốc cất trong tủ mà vẫn không uống kịp. Luôn đo huyết áp mỗi ngày 3 lần: sáng lúc mới thức giấc còn trên giường, trưa sau khi ăn xong, tối trước khi ngủ. Ghi chép vào sổ riêng và đưa BS xem mỗi lần tái khám. Việc này rất có lợi cho bạn vì BS sẽ nhận định rõ ràng hơn tình hình biến động HA của mình và dễ dàng điều chỉnh thuốc hợp lý và ít tốn kém nhất cho mình. Nếu muốn kết hợp với thảo dược Bắc-Nam thì nên cẩn thận từng bước và ngưng ngay khi thấy tiến triển xấu đi.
2.      Theo Đông y:
·         Luôn giữ cho tinh thần thoải mái an vui và thanh thản, tránh các xúc động bất cứ kiểu gì từ buồn lo, giận dữ kể cả vui mừng (việc này cần sự hợp tác chặc chẽ của các thành viên trong gia đình).
·         Giữ cho nhiệt độ cơ thể bình ổn, không để cơ thể chịu đựng nóng hay lạnh (tốt nhất là không cảm thấy nóng hay mát quá), do đó nên mặc quần áo tùy thời tiết hoàn cảnh cụ thể, luôn luôn chú ý cảm giác ấm mát của cơ thể để điều chỉnh kịp thời. Không để mắc mưa, tốt nhất là không đi trong mưa dù có áo mưa. Đi ra khỏi nhà nên cầm theo một chiếc áo gió dù trời đang nóng để dùng khi cần thiết vì thời nay nhiều nơi để máy điều hòa hơi lạnh.
·         Không ăn uống chất có nồng độ cao như quá chua, quá cay, quá mặn, tránh các chất kích thích như thuốc lá bia rượu…..vv….kết hợp với các chỉ định về ăn uống của Tây y khi có các bệnh khác kèm theo HA. Vì HA là một bệnh do Tây Y khám phá ra nên họ có nhiều công trình nghiên cứu và kinh nghiệm hơn. Riêng tôi thấy rằng HA dương chứng cần kiêng rượu, có thể dùng bia chút ít cho vui. Nếu HA âm chứng thì lại nên kiêng bia và có thể dùng chút ít rượu cho vui khi có dịp.
·         Tập thói quen tốt là trước khi có một hành động gì đó kể cả việc ăn uống là nghĩ ngay đến việc này, chất này có gây ảnh hưởng xấu đến bệnh của mình không?
·         Học và tập Thiền Định, tuy nhiên không nên cưởng bức cơ thể khi cảm thấy mỏi mệt căng thẳng khi tập Thiền. Khi cảm thấy chớm căng thẳng hay mỏi mệt là xả thiền ngay. Tập Thiền ngay khi chưa có bệnh, càng sớm càng tốt trong cuộc đời mình.

Không nói đến các điều cao siêu theo tôn giáo, bản chất của Thiền căn bản là cho não nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc mỏi mệt, tập cho não thực hiện được thao tác hoạt động và ngưng nghỉ khi cần theo ý muốn của mình; dần dần làm chủ được các cảm xúc bản thân. Vì thế, tư thế ngồi không bắt buộc bán già hay kiết già (tư thế hoa sen) gì cả mà có thể ngồi trên ghế, chỉ cần lưng thẳng, cổ thẳng. Nhìn về phía trước cách vị trí ngồi chừng 1 đến 1,5 mét là được. Thở  bình thường. Chọn không gian yên tỉnh.
Khi thiền, dừng mọi hoạt động của não bộ như suy nghĩ, hồi tưởng, mơ ước…… Không nhớ đến điều gì hay người nào cảnh nào. Ví dụ như hể nhớ đến ai việc gì thì vất bỏ quên ngay bằng cách chú ý đến hơi thở đang vào hay đang ra, đếm từ 1 đến 10. Cụ thể vào 1 ra 1, vào 2 ra 2…..cho đến 10 rồi trở lại 1. Vì hơi thở dài hơn tiếng đếm nên bạn có thể đếm “vào 1…1…1” cho đến khi hết thở vào, rồi đếm “ra 1…1…1” cho đến khi thôi thở ra. Biện pháp này nhằm chuyển sự tập trung của sự chú ý vào việc thở vào ra và đếm mà quên đi người hay việc bỗng nhớ đến. Thời gian đầu không làm được vì chỉ cần 1 hay 2 lần thở là lại nhớ ngay đến việc vừa rồi hoặc việc khác. Hãy bình tỉnh và kiên nhẫn, rồi “thời gian quên” sẽ dài ra hơn. Khi theo dõi và đếm số lần hơi thở vào ra được 10 - 20 lần của 10 hơi thở mà không bị phân tâm (nhớ việc hay người hay cảnh). Nên nâng cao một bước nữa là không đếm mà chỉ theo dõi hơi thở vào và ra mà thôi. Như chỉ niệm “vào…vào…vào”……rồi “ra…ra…ra”. Cứ thế, cho đến khi chừng 3 phút mà không nghĩ gì cả là bắt đầu đạt. Đến đây bạn có thể không cần niệm vào và ra mà chỉ ngưng ý nghĩ để theo dỏi hơi thở. Khi thuần thục đến giai đoạn này bạn không cần chú ý gì vào hơi thở nữa mà chỉ ngưng không suy nghĩ. Phát triển khả năng này càng kéo dài càng tốt. Tuy nhiên khi thấy cơ thể mỏi mệt căng thẳng thì xã thiền ngay, đứng lên, đi đi lại lại cho thư giãn. Lần sau tập tiếp. Khi thiền với tư thế ngồi ghế thoải mái thì xã thiền chỉ là đứng lên đi lại một lúc là được. Khi ngồi thiền bán hay kiết già, bạn cũng chỉ cần nằm ngữa ra, đưa 2 chân lên cao một lúc cho máu đen trở về bụng và tim, rồi đạp xe đạp trong tư thế nằm ngữa đó vài chục vòng, rồi tự xoay cổ chân vài chục vòng……Chỉ vậy là đủ.
Khi ngồi yên được chừng 30 phút mà tâm không tán loạn (suy nghĩ lung tung) là trình độ thiền của bạn khá tốt. Hãy duy trì và phát triển cao hơn nữa.
Tiến bộ đến giai doạn này, bạn có thể tập thiền bất cứ lúc nào rãnh rỗi. Có thể đang làm việc hay học tập mỏi mệt bạn ngưng vài phút để thiền tại chổ, không bận tâm đến xung quanh. Nếu được như vậy bạn sẽ thấy sự mỏi mệt của não bộ tan biến nhanh chóng. Khả năng làm việc của não phục hồi khá lên hẵn.
Cho đến khi bạn điều khiển được não bộ: cho phép nó suy nghĩ hay bắt nó ngưng suy nghĩ như ý muốn chỉ trong vòng từ 1 đến 3 hơi thở là đạt.
Thiền còn có nhiều mức độ khác cao hơn khó hơn nhưng ở bài này như vậy là đủ để bảo vệ não bộ và góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn rồi.
Lương-y Tạ Minh, Hà Nội 06-08-2013.


Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

NGẤT XỈU VÀ RUỘT BÁNH MÌ.



Cứu ngất không khó, bấm 19 một phút là xong. Tốt hơn nữa là cho bệnh nhân uống một ngụm trà đường, trà gừng gì đó. Nhưng có bao giờ bạn cứu ngất xong với đầy đủ biện pháp mà hể ngồi vừa yên vị thì BN lại ngã ra ngất tiếp không? Nằm xuống, ngồi dậy vài lần như thế !
Hồi còn làm việc tại TT/DC-ĐKLP, 19bis Phạm Ngọc Thạch, tôi gặp một cô BN như vậy. Khi cô xỉu lần thứ ba, tôi chợt nhớ lời thầy Viễn nên thủ sẵn một miếng ruột bánh mì nhỏ hơn ngón tay cái (vì chỉ có bấy nhiêu), bấm cho cô tỉnh dậy, tay vẫn đặt lên huyệt 19, đưa cô ta nhai và nuốt miếng ruột bánh mì nhỏ xíu đó rồi chiêu một ngụm nước lọc. Thế là cô tỉnh lại như sáo. Hỏi ra, do cô ta đến chữa bệnh mà không ăn sáng, chờ đợi lâu, đói bụng nên chỉ mới châm một huyệt là cô ngã người ra xỉu liền.
Thú thiệt, lúc mới nghe thầy Viễn phổ biến, tôi bán tín bán nghi; mặc dù tôi cũng biết câu “cốc khí hành mạnh và nhanh nhất trong cơ thể người” nhưng chỉ với một miếng nhỏ xíu “cốc phẩm” (thực phẩm từ ngũ cốc) như vậy mà cứu tỉnh người đang xỉu vì đói thì hơi khó tin…….hihihi.
Vụ này, tôi làm cũng không chỉ lần đầu tiên đó. Bạn ráng ghi nhớ và thử xem nếu gặp trường hợp tương tự nhé.
Rất ngộ nghĩnh…….hihi.
Bạc Liêu, 26-04-2013.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

NHỨC ĐẦU VÀ CÁC NGUY HIỄM TIỀM ẨN CỦA NÓ.



Bài này được viết đã lâu. Ngày 12-01-2012 chỉ là ngày hoàn chỉnh bài viết.

Viết xong rồi để đó vì phân vân đăng hay không đăng? Đăng thì "chỏi" với đa số, không đăng thì chẳng yên tâm với các rủi ro mà bạn có thể gặp, mặc dù có thể bạn không gặp! Biết mà không nói lên phải chăng cũng là một cái lỗi !?
Hôm nay, tôi quyết định đưa lên đây. Thôi thì.........ai nghĩ sao, nói sao......tôi đành chịu vậy...........sự thật vẫn cần thiết được nói ra như hơn 30 năm nay "tín đồ Diện Chẩn" chúng ta đã vẫn thường kêu lên "DC là một phương pháp hay, có hiệu quả trong điều trị bệnh" cho dù có nhiều dư luận phản bác.
Phân tích các vấn đề này không "đơn giản như đang giởn"......hihi...... nên tôi chỉ nêu lên ý chính, mời bạn đọc.

Đau nhức đầu là một hiện tượng rất thường gặp trong đời sống. Khi bị đau đầu, đôi khi bạn lắc lắc đầu vài cái……….ờ……êm ngay. Đôi khi bạn vổ vổ đầu vài cái….lại cũng êm. Có lúc, bạn nắm một nhúm tóc giật “tách” một cái , nó cũng êm. Có khi bạn tình cờ nhấp một ly cà phê, một ly đá chanh, cam gì đó….êm ngay. Có lúc bạn chạy ra tiệm thuốc bắc khai bệnh và mua vài gói cao đơn hoàn tán hay ra tiệm thuốc tây gần nhà khai bệnh và được bán một túi thuốc gồm nhiều loại, mang về uống……cũng êm. Thậm chí……có khi bạn chợt nghĩ đến “người iu”….cũng êm…….hihi. Nghĩa là có nhiều cách, nhiều chiêu để cái đầu của bạn không còn quậy bạn nữa. 
Và bạn nghĩ “dễ ợt hà…….chuyện nhỏ như con thỏ” !!
Cho đến một hôm, bỗng nhiên bạn thấy mắt đau nhức và mờ hẵn, bạn thấy tai mình bỗng vo ve và đau nhức, hoặc tệ hại hơn đột ngột bạn bị sốt cao co giật, hay bạn bị liệt nữa người, phải nhập viện cấp cứu………Và bạn được bệnh viện phán rằng các biến cố xảy ra đó là do bạn đã và đang viêm tai trong, do đang viêm xoang, do bạn bị cao huyết áp, có một khối u trong não hay bạn có một đoạn mạch máu não bị dị dạng gây biến chứng….....vv. Điều này thường xảy ra ở các bạn trẻ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị bệnh cao huyết áp……..hoặc cũng không ngờ là mình bị viêm xoang mạn tính…….. Kể cả một số người trưởng thành nhưng không quan tâm đến sức khỏe vì từ xưa giờ mình quá khỏe không biết đến bệnh viện bao giờ.
Đây là một sai lầm thường gặp ở người ngoài ngành Y.
Với các “tín đồ Diện Chẩn” thì sao?
Hình như đa số cũng vướng vào sai lầm này………vì DC quá tuyệt vời trong việc giãm đau. Hầu hết các cơn đau bất cứ ở đâu cũng đều có thể áp dụng nguyên tắc dùng đồ hình, đồng ứng và sinh huyệt để làm nó lui ngay sau vài phút (trung bình là 2 đến 10 phút)…….và tắt hẵn không trở lại khi đó là một cơn đau đột ngột lần đầu xuất hiện…….và may mắn là gốc bệnh với ngọn bệnh ở cùng một nơi, bệnh chưa truyền biến, bệnh không có cơ chế phức tạp…... Mà phần nhiều các triệu chứng lần đầu này đều xuất phát từ nơi thụ bệnh cho nên “đau đâu chữa đó” cũng là một giải pháp có hiệu quả. Vì đa số huyệt đều có tính chất giãm đau, tiêu viêm vùng liên quan.
Nhưng nếu nhức đầu do viêm xoang, do huyết áp, do suy nhược thần kinh, do suy nhược cơ thể hay do tăng nhãn áp …….vv…(là vài bệnh chứng tương đối thường gặp nhất)…....có cơ chế rắc rối hoặc gốc bệnh ở một nơi khác thì phản chiếu, đồng ứng và sinh huyệt không phải là giải pháp hoàn chỉnh.Mặc dù chữa xong là êm ngay, ít ra vài tiếng đồng hồ, có khi được 1-2 ngày.
Bạn nghĩ sao khi viêm xoang, khi huyết áp đang tăng do nhiệt mà bạn lại xoa dầu hay hơ ngãi cứu ?

Nếu bạn chữa nhức đầu mà cứ êm rồi lại đau thì bạn cần xem xét tìm cho ra nguyên nhân gây nhức đầu này và cơ chế hàn nhiệt hư thực của nó để có giải pháp đúng.

Ý này cũng được dùng cho mọi triệu chứng bệnh khác.

Lương-y Tạ Minh. Bạc Liêu, 12-01-2012.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

BIẾT,KHÔNG BIẾT,TIN,KHÔNG TIN.




Hồi đó…………..
Suốt từ cấp 2 lên hết cấp 3. Tôi in trong đầu điện tích cùng dấu đẩy nhau, trái dấu mới hút nhau. Vào đại học tôi vô cùng ngạc nhiên khi học về vật lý nguyên tử: hai proton hút nhau còn mạnh hơn bội lần proton với electron. Rồi khi học về thuyết tương đối của Einstein lại ngạc nhiên thêm vì vật chất bị co lại khi di chuyển với tốc độ ánh sáng. Hồi đó,lên đại học mới được học những kiến thức này.
Hồi đó…tôi mê khoa học kỹ thuật lắm, chính xác hơn những gì mà chương trình giáo dục chính thống gọi là khoa học. Ngoài ra tôi không thèm liếc mắt chớ đừng nói là mở to mắt ra mà chiêm ngưỡng cho dù có ai ca ngợi một môn gì đó ngoài “KHOA HỌC” mà tôi đã biết.
Hồi đó, lại hồi đó….! Tôi rất coi thường và rất ghét những vị được gọi là Đông Y Sĩ (bây giờ gọi là lương-y) kể cả những Thầy được xưng tụng là Lương-y (là từ chỉ Đông Y Sĩ có đạo đức và chữa bệnh giỏi). Kể cả thầy Ông Tạ mà tên ông trở thành địa danh NGÃ BA ÔNG TẠ ở quận Tân Bình, Sài Gòn……Ta đây có trình độ đại học mà……đâu có cho mấy ông “lang băm” đụng đến mình được,bạn bè biết được cười thúi đầu! Mặc dù hồi 14-15 tuổi, tôi đã từng bị mề-đay (một chứng trong bệnh dị ứng), đi BS mấy tháng không hết, sau nhờ ông Nội tôi viết thư biểu tôi uống “Giải Phong Sát Độc Hoàn Ông Tiên” của nhà thuốc Đông y Võ Văn Vân, uống được 2 chai rưỡi –khoảng  3 ngày - thì hết hẳn (tới bây giờ). Tôi vẫn chưa chịu tin vì không có trong danh mục “KHOA HỌC” mà tôi đã biết.
Chưa hết,năm 1973 tôi bắt đầu bị sưng nướu răng liên tục và nhức đầu liên tục mỗi ngày. Hai vị BS và Nha-sĩ, trong trường tôi học, rất nhiệt tình hội chẩn điều trị cho tôi, nào cạo vôi răng, chích cho mấy mũi trụ sinh (erythomycine - mạnh nhất lúc bấy giờ) đau đến mức phải đi cà nhắc, phát cho tôi những bịch thuốc to tướng, những type phosphat nguyên chất để đánh răng, dặn dò ngậm muối thường xuyên. Tôi nghiêm chỉnh thực hiện y lệnh của các vị. Nhưng chỉ giãm chớ kg chịu hết hẵn. Tôi mang bệnh này gần 2 năm. Khi mãn khóa, đầu năm 1974,về nhà chờ ngày trình diện đơn vị, tôi được mẹ tôi dẫn đến Cô Tư gần nhà,lúc này hàm răng tôi phát triển bệnh đến mức kg ăn gì được, chỉ húp cháo, uống nước là được.. Mắc cở lắm nhưng tôi phải đi vì lệnh mẹ và cũng vì bí thế rồi. Cô phán “cậu bị ung xỉ” rồi phát cho hai loại thuốc, một uống, một thoa. Mèn ơi….thuốc thoa răng đen như than vậy, làm thằng nhỏ hết dám đi đâu chơi trước khi “đi không biết ngày về”! Nhưng…sau khi xài hết 2 gói thuốc đó, răng tôi êm hẵn …đến năm 1978 mới tái phát trong một trại tù vì tội vượt biên.
Bệnh nhức đầu của tôi lạ lắm. Chỉ đau sau 13g, đến sau 17g thì tự động hết đau. Vì mắc cở và vì không tin nên tôi không khai với Cô Tư. Cho nên tôi mang chứng nhức đầu này đến 1980.
Đầu năm 1980 tôi ra tù, vợ tôi biểu:
-         anh đi châm cứu đi. Thấy nhiều người khen lắm.
-         Xì….BS, thuốc men mấy năm trời còn chưa xong. Mấy ông lang băm thì làm cái gì!?
-         Không đâu, ở đây là BS châm chớ không phải thầy lang đâu.
Nghe vậy tôi mới chịu đi mà lòng vẫn hồ nghi. Không ngờ chỉ châm 2 cây kim, 2 lần là tôi hết bị cái đau đầu hành hạ 7 năm ròng rã.
Từ trại tù về, tôi tìm Cô Tư,nhưng cô dọn đi đâu không biết, nên hàm răng tôi vẫn đau nhưng không dữ dội như xưa, có nghĩa nó và tôi sống chung hòa bình.Nó không làm dữ để tôi phải tìm cách trị nó, tôi không trị nó để nó được tồn tại với tôi….hihihi. Tôi chỉ tránh né nó bằng cách nhổ quách cái răng nào lung lay. Nha sĩ ở Đại học Y Dược TP.HCM bảo thế.
“Nhổ cỏ nhổ tận gốc”…người xưa nói vậy. Còn tôi thì…”nhổ răng, nhổ sạch sẽ” để phòng xa, tôi sợ cái gọi là “Ung xỉ” là Nha chu này quá rồi. Nè…các bạn đừng tri hô nhé…mắc cở lắm nhaaaa….
Chưa đâu….tôi vốn cứng đầu tuy có bề ngoài khá nhỏ nhẹ….hihihi. Cho nên tuy trãi qua 3 lần “chiến bại” trước cái gọi là “THIẾU KHOA HỌC”, tôi vẫn tự nhủ….”xì…sự may mắn trùng hợp”.
Cho đến khi…cậu con trai đầu lòng của tôi,lúc đó còn ẵm ngữa bị kiết, đi tiêu ra máu liên tục hơn nửa tháng, BV Bình Dân trị không khỏi, mẹ cháu đưa qua dưỡng đường Trần Bình Trọng trị một tuần cũng không ăn thua gì. Cháu suy kiệt đến trơ xương. Xót ruột quá tôi đành chấp nhận đi theo kiểu trị bệnh “thiếu khoa học” một lần nữa. Ẵm cháu ra một thầy gần nhà ngoại cháu. Ông thầy vạch bàn tay cháu nhìn một hồi, vổ bụng cháu mấy cái, tôi thấy rất ngứa mắt (khám bệnh kiểu gì kỳ vậy?) nhưng chưa nói gì. Sau, ông đưa tôi hai gói thuốc bột rồi bảo:
-         đem cháu về, một lát cho uống mỗi thứ một chút.
Đến đây tôi không còn nín được – cho uống thuốc gì mà không rõ liều lượng, không rõ thời lượng gì cả! Nên trừng mắt gằn giọng với ông(!!!):
-         một lát là bao lâu ? Một chút là bao nhiêu ? Thầy nói vậy ai biết đâu mà rờ (!!!???)
-         một lát là chừng 2 giờ đồng hồ, một chút là chừng móng tay út. Ông ngạc nhiên nhìn tôi ôn tồn trả lời.
Tôi mang cháu về,lòng vẫn hậm hực nhưng vẫn theo hướng dẫn của ông, chớ biết làm gì khác bây giờ? Về nhà khoảng hơn 7g, tôi cho cháu uống 4 lần là hết bệnh. Tôi ngạc nhiên thật sự, cái “hất mặt lên” trong tôi về những gì “thiếu khoa học” bắt đầu lung lay!
Vài tháng sau, cháu bị ho. BV Bình Dân chữa một tuần không giãm, tôi bèn cho cháu ra ông thầy trước. Cảnh cũ lại diển ra. Nhưng lần này tôi “biết lễ độ” rồi…nên nín thinh…hihi.Chỉ 2 lần “một lát,một chút” là cháu êm hẵn. Niềm tin tuyệt đối vào “khoa học’ của tôi lung lay.
Tôi mò đến nhà cậu Hai tôi tìm đọc mấy quyển sách Đông y mà trước đó không thèm ngó. Đọc ngấu nghiến ….nào là Thiếu Dương,Khuyết Âm…nào là Nguyên khí, Hư Hỏa….Tôi đọc từ Y Dịch Nhập Môn, Đông y Khái Lược của DS Đặng Đình Tuân -tôi chọn tác gỉa này trước vì ông là dược sĩ, vẫn còn cái gọi là KHOA HỌC…..hihi - đến các sách châm cứu của Thượng tọa Thích Tâm Ấn, danh y Thượng Trúc….đến Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh thì ngán quá đành bỏ cuộc giữa đường vì tới đây thì tôi….hổng hiểu gì ráo trọi.
“Ghét của nào,trời trao của đó”…chết tui chưa…bây giờ tui lại là một….. thầy lang….hihi.
Khoảng năm 1984-85, tờ Khoa Học Phổ Thông đăng tin: côn trùng và cây cỏ  cũng trao đổi thông tin cho nhau theo cách riêng của chúng(cái này mới lạ, cây cỏ mà cũng biết tám, biết buôn chuyện…hihi). Rồi thập niên 90, khoa học khám phá ra có những loài hải-sinh vùng biển philippine không hấp thu oxy mà hấp thu H2S để sống, một khí cực độc theo khoa học đã biết.
Vậy là sao ? Vậy là khoa học luôn chạy theo tự nhiên để khám phá tự nhiên và bắt chước tự nhiên………Và chưa bao giờ biết hết tự nhiên.
Ồ….tôi lạc đề rồi.
Tôi viết bài này chỉ có mục đích tự nhắc nhở tôi rằng:
CÁI CHƯA BIẾT CHƯA CHẮC LÀ KHÔNG CÓ.
CÁI ĐÃ TIN CHƯA CHẮC ĐÃ ĐÚNG HOÀN TOÀN.
Một phút tưởng niệm ông Galileo.
Tạ Minh. Sài Gòn,01-01-2010.