Đời người gồm một chuỗi thành-bại,vui-buồn.khoái-khổ,sướng-cực... Ít hay nhiều cũng để lại dấu ấn trong tâm trí. Những dấu ấn này công khai hay âm thầm, rầm rộ hay lững thững, ngay tức khắc hay ngủ yên rồi hốt nhiên bừng tỉnh…. hoạt động trong tinh thần chúng ta.
Đời người, ai cũng có ít nhất một tai nạn. Không tai nạn về vật chất cũng tai nạn về tinh thần. Không trực tiếp cũng gián tiếp, Không nặng nề cũng loáng thoáng. Có khi rồi cũng qua đi, có khi để lại khiếm khuyết không sữa chữa được không chỉ vật chất mà cả về tinh thần nữa. Loài người tốn không ít công phu để tìm cách giải quyết những di chứng này.Về vật chất cơ thể đã có giải phẩu học, gene học. Về tinh thần đã có phân tâm học và tâm lý-y học, các giáo điều tôn giáo…vv.Nhưng coi bộ….không thành công gì lắm. Vẫn còn lắm người phải chịu thiếu một cái gì đó trên thân thể. Vẫn còn phải “gát chân lên trán” trăn trở mỗi đêm, gậm nhấm nỗi lòng không yên.
Về tinh thần,nhiều điều không vui ta muốn dẹp bỏ qua một bên mà không được bởi những trói buộc của thói quen, của cá tính, của tình cảm, của đạo lý, của nề nếp gia phong, của nhận thức hình thành do tập quán dân tộc, của tôn giáo, có khi là do ảnh hưởng của cả loài người…vv.. Hóa ra, con người chính là nô lệ của những điều đó. Những điều do bẩm sinh và cả những điều do học hỏi từ lúc còn trong bụng mẹ (y học nói vậy).
Nhiều khi con tim bảo nên như thế này, lý trí lại biểu nên như thế kia…loay hoay mãi gở không ra như một đống chỉ rối. Phân tích chi li vấn đề này không dễ, xin để cho chuyên viên về ngành tâm lý làm việc cùng bạn.
Tôi xin trình bày một vài suy nghĩ của tôi:
Đời sống con người thật là tréo ngoe.
- Bình thường con người không làm chủ được phần vật chất cơ thể của mình. Mặc dù muốn đưa tay lên là đưa,muốn đi là đi. Nhưng khó lòng nhịn đói khát, nhịn tiêu tiểu. Muốn tim đập hay ngưng theo ý mình không được. Thậm chí có lúc muốn ngũ mà không thể, muốn ăn mà nuốt không trôi qua cổ họng.
- Xét cho cùng con người chỉ có thể làm chủ được phần vô hình của mình: tinh thần. Vì sao tôi nói vậy ? Bởi,vô tình hay cố ý, ít nhất trong đời bạn đã từng dừng lại một ý muốn nào đó không thể thực hiện được. Rồi cảm giác khổ sở vì bất như ý cũng qua đi.Đó là lúc bạn làm chủ được nó vậy. Đã có kinh nghiệm, sao không phát huy thêm nhỉ? Sao bạn không rèn luyện để những trạng thái không vui đó ra đi nhanh hơn, mỗi ngày một nhanh hơn. Cho đến khi chỉ cần 30 giây là xong?
- Trời nắng như đổ lửa, bạn rất bực mình nhưng vẫn phải ra đường. Bạn phải chịu đựng cái nóng là điều không thể tránh né, nhưng sao bạn không quăng cái “cục bực tức ông trời” đi nhỉ? Quăng nó đi, bạn chỉ còn hơi nóng, nhẹ được ½ người.
- Bị thương vì tai nạn. Thân xác đau đớn chưa đủ hay sao mà bạn lại còn để cho lòng mình đau theo khi nguyền rủa vận xui?
- Bạn bị móc túi, tiền mất, căm hận kẻ vô lại. Ồ, tiền mất thì đã mất rồi. Tội gì mất thêm sự thanh thản chứ ?
- Tương tự như vậy khi bạn bị người yêu phản bội; người yêu đã ra đi, níu kéo có được đâu? Bạn hãy lo níu kéo sự bình an tâm hồn mình thì hay hơn nhiều đó.
Nhiều lắm, ngày nào bạn còn sống là còn phải đối mặt với những điều làm bạn mất vui, đau khổ, ăn cơm mà như ăn sạn, giường trãi nệm mà như giường trãi gai của Câu Tiển khi chưa giết được Phù Sai (câu chuyện này có thực, được kể trong Đông Chu Liệt Quốc).
Bạn không thương mình sao? Chắc chắn là bạn phải thương mình, nhưng bạn đã không biết cách thương khi cứ mãi ôm ấp sự bực dọc vì muốn mà không được, cứ ôm nỗi oán ghét vì không thích mà phải chịu, cứ giữ lòng hận thù vì chưa trả thù tương xứng được. Khiến cho đời bạn toàn là màu đen cho dù bạn đang ôm một đống tiền với người thân vây quanh. Điều đó gây ảnh hưởng đến họ nếu họ cũng như bạn: chưa chịu vất bỏ những nỗi buồn.
Hãy loại bỏ nỗi buồn, giữ lại niềm vui.
“Ồ, cái ông này nói nghe dễ lắm”. Phải, không dễ nhưng không phải là không được. Chỉ cần bạn nuôi ước muốn “thanh thản trong mọi tình huống cuộc đời” lớn hơn hay ít ra cũng bằng với ước muốn thành công trong sự nghiệp hay nói chung là trong mọi vấn đề khác của cuộc sống.
Tôi xin trình bày kinh nghiệm loại bỏ nỗi buồn,giữ lại niềm vui của tôi xem bạn có dùng được hay không nha..
Với khao khát cháy bỏng đó, bạn tập thở sâu. Hít vào thật đầy ngực rồi bụng, theo dỏi luồng không khí từ mũi, vào ngực rồi tràn xuống bụng. Cho đến khi không còn hít vào được nữa.Bạn thở ra, theo dỏi luồng hơi thoát ra cho đến hết. Cứ thế, bất cứ lúc nào có thể. Theo kinh nghiệm của tôi, không cần quan tâm đến việc thở nhẹ hay mạnh. Cứ thở , cơ thể bạn sẽ tự điều chỉnh. Hơi thở bạn bắt đầu lúc nào cũng mạnh và nhanh, nhưng sẽ nhẹ và chậm dần khi bạn thở được vài lần như vậy. Rồi sau này khi đã quen bạn, không cần thở căng ngực bụng nữa mà chỉ cần thở bình thường, nhưng cần duy trì sự chú ý vào hơi thở vào và ra đang đến đâu mà thôi.
Thời gian đầu, bạn chỉ thở sâu theo kiểu đó khi một mình ngồi hay nằm rảnh rổi. Còn những lúc khác bạn chưa làm được.
Không sao, sau khi đã quen với kiểu thở này,bạn hãy bắt đầu thở khi đi bộ bất cứ lý do gì. Đi từ giường ngủ qua phòng vệ sinh sau giấc ngủ. Đi từ phòng vệ sinh qua bếp, từ bếp qua bàn ăn, từ bàn ăn vào phòng thay quần áo, trong khi thay quần áo, khi đi từ nhà ra xe…..rồi từ xe vào phòng làm việc….Điều này không khó vì các động tác vừa kể có thể thực hiện được theo phản xạ, chỉ còn lại thở là có sự tập trung có chủ ý thôi.
Có lẻ chừng một tuần lể là bạn quen với việc vừa thở sâu vừa thực hiện những động tác thông thường này.
Kế tiếp
Khi đã quen thở như trên, bạn tập bỏ những gì đơn giản đến trong đầu bạn.
Như cố ý nhớ một nụ hoa đẹp, một câu nói của ai đó làm tâm hồn bạn xao động in ít, lập tức bạn hãy tập trung tinh thần vào việc thở sâu như trên. Chú ý vào việc thở, não bạn sẽ tự động quên dần cảm giác đang có Chúng sẽ ra đi không để lại dấu vết. Bạn sẽ tăng cường độ về các chuyện vui lên dần. Cho đến khi chỉ cần chừng 3-5 hơi thở là mất cảm giác vui thích. Làm được điều này là bạn bắt đầu có khả năng vất bỏ những ưu tư phiền muộn quấy nhiễu bạn được rồi. Bạn bắt đầu tập xóa nỗi buồn.
Từ đó, bạn có thể và nên cố ý nhớ lại một sự kiện không vui nào đó của bạn. Nếu bạn thấy nó dấy lên trong bạn sự xao động. Bạn bắt đầu thở sâu, chú ý và chỉ chú ý đến hơi thở ra-vào. Chỉ chú ý vào hơi thở, không cho bất cứ điều gì hiện ra trong não bạn. Nếu có cái gì khác với hơi thở xuất hiện bạn lại chú ý vào hơi thở và chỉ hơi thở mà thôi. Bạn kg cần cố gắng vất bỏ “cái đang làm bạn xao động”, vì khi cố gắng vất nó ra, là vô tình bạn đang nhớ tới nó. Nhớ tới nó là bạn sẽ quên chú ý vào hơi thở. Do đó, chỉ chú ý vào hơi thở vào-ra thì não bạn tự động quên cái kia. Bạn sẽ thấy vấn đề của bạn biến mất hồi nào không hay. Bạn sẽ thấy tim mình hòa hoãn, không còn đập nhanh mạnh nữa, không còn như bị ai bóp chặt nữa,hơi thở điều hòa và quan trọng nhất là lòng mình nhẹ hẵn.
Tuy vậy bạn hãy tiếp tục luyện thở với cấp độ cao hơn: vừa thở vừa làm cái gì đó cần bận tâm một chút như lặt rau, rửa chén bát, lau nhà, rữa xe….vv.. Rồi sau khi đã quen, bạn lại nâng cao hơn nữa như khi lái xe, dĩ nhiên là chạy với tốc độ trung bình thôi hay chậm một chút càng tốt khi chưa quen.
Nếu bạn làm được điều này thì bạn sẽ vất nỗi buồn khổ trong vòng vài phút thôi. Và để ngủ thì chừng 10 lượt thở vào ra là bạn đã tới cổng thiên đường rồi….hihi.
Thực chất của cách thở này là “tự kỷ ám thị”, là bắt não hoạt động hay ngưng nghỉ theo ý muốn, là không cho não làm những việc vô ích hay có hại cho não (âm thầm xảy ra thường xuyên),là tiết kiệm năng lượng cho não. Từ đó bạn có thể điều khiển não làm những việc cần làm (học bài,làm bài,tinh toán chi tiêu, tính toán công việc trong sở làm ….) và nghỉ ngơi khi không còn cần làm việc nữa. Mỗi khi sử dụng trí óc nhiều, cảm thấy mỏi mệt, bạn nên nghỉ và thở như thế vài phút, năng lực trí óc bạn sẽ phục hồi.
Lúc này bạn có thể điều khiển não hay tinh thần bạn như điều khiển một bóng đèn: bật On (mở) hay bật OFF (tắt) rất dễ dàng.
Bạn nên nhớ rằng,những nghiên cứu gần đây của khoa học cho biết khi bạn có cảm xúc xấu (buồn,giận,ghét,căm thù…) là não bạn sẽ tiết ra độc chất gây hại cho cơ thể. Điều này Đông y biết đã lâu: Giận hại Can, Sợ hại Thận…vv.
Vậy thì cách thở này không chỉ giúp bạn an bình tâm hồn mà còn gián tiếp giúp bạn giữ sức khỏe thể xác. Tại sao khi làm việc tay chân mỏi mệt bạn có nghỉ mệt mà bạn không cho não nghỉ mệt nhỉ?
Bạn có thể có nghi vấn: Vậy rồi mình sẽ như khúc cây mục, như cục đá sao?
Không, sau khi rèn luyện thành công biện pháp này,bạn chỉ dùng nó khi có cái gì làm cho tim bạn bị thắt lại, làm cho hơi thở bạn hỗn loạn, làm cho ngực bạn như đông cứng, làm cho đầu bạn bị nóng lên, làm cho máu bạn bị sôi lên…tóm lại là những gì làm cho bạn đau lòng,tức giận... mà thôi. Hoặc khi bạn mỏi mệt tinh thần sau thời gian làm việc,học hành.
Còn lại thì….tội gì lại vất bỏ cảm giác hạnh phúc khi nhớ đến nụ cười của ông bà,cha mẹ,con, cháu, của người yêu(nếu bạn đang yêu),của người bạn tâm giao, của một hành động đẹp bạn chứng kiến trên đường phố…vv.
Để hổ trợ cho mục đích “thanh thản trong mọi tình huống” này, bạn có thể suy ngẫm thêm nhé.
- Hình như ai cũng có nỗi khổ riêng, không riêng gì mình.
- Hình như không ai thoát được bệnh hoạn, tai nạn và cái chết.
- Hay không bằng hên.
- Hình như “người giầu cũng khóc”.Hình như người ăn xin cũng có những tiếng cười khoái trá.
- Thích Ca còn bị kiết lỵ, Jesus còn bị đóng đinh, Khổng Tử thì bôn ba cả đời không yên thân….mình đâu có bằng mấy ông đó ??!!
- Hihihi.
Lương y Tạ Minh,Hóc Môn,24-12-2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét