CHUYÊN ĐỀ DC-ĐKLP

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

CÁCH DÙNG THUỐC



May 22, 2012 7:58 AMPublicPageviews 313 0
Tôi tuy không dùng thuốc mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu về huyệt, chủ yếu là DC nhưng thuốc cũng là một lãnh vực cần dùng trong điều trị bệnh. Gởi đến bạn đọc trẻ đang học về Đông Y bài viết của Luong Y VÔ THƯỜNG nói về thuốc.- Tạ Minh

                                                                                        CÁCH  DÙNG THUỐC
                  Dùng thuốc là một nhu cầu tất yếu trong đời sống “Sinh – Lão - Bệnh -Tử” của loài người. Suốt xưa nay, khắp Đông Tây chưa từng thấy có việc phủ nhận vấn đề này. Nơi đây không có ý kiến và nhận định cá nhân mà chỉ dựa theo diễn biến của cách dùng thuốc trải dài theo dòng lịch sử. Cổ truyền cũng như hiện đại đều chứng tỏ một mối quan hệ không thể tách rời là “Lý – Pháp – Phương – Dược”, và đã thể hiện rõ ràng trong mọi nghiên cứu áp dụng là Dược Lý, Dược Pháp, Dược Phương.
1-DƯỢC LÝ:
                 Lý Sự Chân Thật là pháp tắc của vạn sự vạn vật trong trật tự vũ trụ. Xưa nay chưa từng có khoa học nào nghịch lý, dù hiệp lại một ngành Y Dược (thầy thuốc) hoặc chia hai ngành thì Y và Dược cũng không lìa lý, thực tế thể hiện nơi các từ thường dùng là Y lý, Dược lý.
        a/Đông Y: Với chủ trương thuận tự nhiên và truyền thống Đạo học Khí Hóa, Đông Y đã có những cách dùng thuốc:
                 -Cây thuốc (thảo dược) được dùng nhiều hơn khoáng chất.
                 -Dùng thuốc toàn phần hoặc bộ phận có dược lực mạnh như hoa trái, thân lá, củ rễ.v.v.. . 
                   -Áp dụng toàn diện không tách riêng dược lý, dược pháp và dược phương với mục đích Y Dược nhất quán.
                   -Dùng nguyên lý Thái Cực (toàn diện), Lưỡng Nghi (Âm Dương- Biểu Lý- Hàn Nhiệt- Hư Thực), Tứ Tượng (Dương Hàn – Dương Nhiệt – Âm Hàn – Âm Nhiệt), Ngũ Hành (Mộc – Hỏa – Thổ - Kim – Thủy), Lục Khí (Phong – Hàn- Nhiệt- Thấp- Táo- Hỏa) để xây dựng Y lý nên Dược lý cùng tùy theo đó mà có Tánh (Hàn-Nhiệt-Thăng-Giáng),Vị (Chua-Đắng-Ngọt-Cay-Mặn), Qui Kinh (Can- Tâm- Tỳ- Phế- Thận v.v..).
        b/Tây Y: Với chủ trương theo tiến hóa và sở trường Khoa học Thực Nghiệm, Tây Y đã có những cách dùng thuốc:
                   -Lợi dụng cơ giới hiện đại có khả năng phân tích dù bắt nguồn từ hóa chất, khoáng chất cho đến thảo mộc đều được phân tích thành hoạt chất để nghiên cứu thực nghiệm.
                   -Tuy những hoạt chất cũng có mùi vị (thơm hôi, đắng ngọt) nhưng do dược tánh của hoạt chất không có dược tính Hàn Nhiệt rõ ràng nên Dược lý Tây Y không luận Hàn Nhiệt khác hẳn với Đông Y (dù vậy, trong phân loại điều trị cũng có khi họ vô tình công nhận về Hàn Nhiệt như nói cảm là cảm lạnh nhẹ hơn cúm có triệu chứng bứt rứt, sốt cao, đau cả người, dễ lây lan thành dịch không khác với Đông Y chia thành Thương Hàn, Ôn bệnh).
                 -Kết quả dùng thuốc phần lớn được thực hiện nơi ống nghiệm kế đến gia súc rồi đến con người nhưng thực tế việc hấp thụ và tác dụng không thể nhất thời thấu hiểu, đặc biệt là những tác dụng phụ.   

2-DƯỢC PHÁP:
              Do chủ trương Dược lý khác nhau nên Đông và Tây Y có những phép dùng thuốc khác nhau:
        a/Đông Y:  Với chủ trương thuận tự nhiên nên cách dùng thuốc của nó có thể sơ lược thành 3 phép:
              - Phép lựa chọn:
                       Tuy sở trường của Đông Y đa số dùng thảo dược nhưng các bộ phận được dùng cũng được lựa chọn tùy thuộc nơi bệnh:
                              .Bệnh tại phần trên (đầu-mặt) thường dùng hoa,ngọn.
                              .Bệnh tại phần giữa (ngực-bụng) thường dùng thân.
                              .Bệnh tại phần dưới (bụng dưới-chân) thường dùng rễ, củ.
                                 .Dạng thuốc cũng được lựa chọn: bệnh cấp dùng thuốc sống, bệnh mãn dùng thuốc chín, thông thường dùng thuốc thang để tiện việc gia giảm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trị bệnh thì dùng cao đơn hoàn tán .v.v..  .
                      Ngoài ra để trị ngoài da, khu trùng, các cố tật; Đông Y cũng tạm dùng khoáng chất, động vật có độc.
             -Phép bào chế:
                    Rất nhiều vị thuốc được dùng phải bào chế tỉ mỉ và được phân loại thuốc sống (thảo dược chưa được bào chế), thuốc chín (thảo dược đã được bào chế). Phép bào chế đầy đủ đã được nêu tại sách Lôi Công nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp này chỉ sơ lược một vài ví dụ:
                           .Đốt xém (chích): đưa vào lửa ngọn thiêu cháy phần ngoài da của thuốc ví dụ dùng Cam thảo chích để loại bỏ chất độc dưới da của dược thảo này. 
                           .Nấu (thục): như nấu chín nhiều giờ củ Sinh địa (tính mát, màu vàng, nhập Tỳ) thành Thục địa (tính ôn, màu đen, nhập Thận) để cải tạo tánh thuốc.
                          .Phơi: làm cho khô như Sinh khương trị tại Biểu, Can khương thiên về tính ấm để trị phần giữa và phần dưới.
                          .Sao: hoặc tùy thuộc mức độ dùng lửa để biến đổi tánh mát thành ấm như sao vàng, vàng cánh dán, sao đen (như sao đen vị Toan táo nhân để dẫn hỏa giao thủy khi dùng để an thần trị mất ngủ); hoặc sao với một loại dẫn dược như Bạch truật sao với cám để dẫn vào Tỳ, Đỗ trọng sao với muối để dẫn vào Thận.
                         .Đốt toàn tính (thiêu): làm giảm chất độc nhưng vẫn giữ tánh thuốc để dùng ngoài da hoặc cầm máu (ví dụ như đốt hạt Tạo giác, Đại phong tử, Bồ hoàng).
            -Phép bảo quản:
                  Do chú trọng đặc tính toàn diện và luật Khí Hóa nên thuốc Đông Y  chỉ được dùng khi việc bảo quản còn giữ được khí vị của thuốc:
                      .Thuốc thang: dễ biến chất nên dùng trong ngày và bảo quản như một loại canh trong thực phẩm.
                    .Thuốc cao: cần bảo quản như một loại mức.
                    .Thuốc viên đơn: có thể dùng lâu nhưng khi bảo quản cần giữ kín.
                   .Thuốc hoàn tể: bột thuốc phải khô,đường mật phụ gia phải thắng tới,viên thuốc phải giữ kín.
                    .Thuốc tán: bột thuốc phải khô và phải giữ kín vì loại này dễ biến chất chỉ nên dùng trong hạn 3 - 6 tháng. 
           -Phép sử dụng:
               Chẳng những phù hợp với lý điều trị mà còn rất chú trọng đến cách dẫn thuốc đến chỗ bệnh và đường hấp thụ thuốc theo thủy khí (tam tiêu) hoặc hỏa huyết (bào lạc):
                    .Thuốc thang: Cách uống và cách nấu đều tùy bệnh; cốt lấy phần khí thì nước ít, nấu mau; cốt lấy phần chất thì nước nhiều, nấu lâu; cốt điều hòa thì nước và thời gian nấu đều vừa phải, nấu cạn phân nửa bỏ xác rồi lại nấu đến còn phân nửa; hoặc uống nhanh một lần (đốn phục) để trị bệnh tại Biểu hoặc bệnh cấp; hoặc uống chậm, nhiều lần (tần phục) để trị bệnh tại Lý hoặc bệnh hoãn; hoặc chia uống 3 lần/ngày để trị bệnh tại Tấu và là cách thường dùng.
                  .Thuốc cao: thường được dùng trị bệnh phần trên.
                  .Thuốc viên đơn: thường được dùng trị bệnh phần dưới.
                  .Thuốc hoàn tể: thường được dùng để bổ dưỡng.
                    .Thuốc tán: thường được dùng để trị khí huyết toàn thân và tạng phủ phần giữa (Nhân Sâm bại độc, Hoắc Hương chính khí, Ngũ Vị dị công, Sâm Linh Bạch Truật  .v.v..  ).
          -Phép điều trị:
                Tùy thuộc khí hóa và bộ vị bệnh mà thực hiện các phép điều trị:
                   .Hãn: phép làm đổ mồ hôi để giải bệnh ở Biểu.
                   .Thổ: phép làm cho mữa để trị bệnh ở trên.
                   .Hạ: phép làm đi ỉa để trị bệnh ở dưới.
                   .Hòa: phép hòa giải để trị bệnh ở giữa.
                   .Ôn: phép làm ấm để trị bệnh lạnh.
                   .Lương: phép làm mát để trị bệnh nóng.
                   .Tiêu: phép làm tiêu tán để trị tích kết.
                   .Bổ: phép xung dưỡng để trị bệnh hư kém.
        b/Tây Y:  Sau khi thử nghiệm tính năng, các hoạt chất được bào chế làm thành các dạng tiện dụng trong điều trị như:
               -Thuốc uống:
                   .Dạng nước như xirô.
                   .Dạng viên như viên nén, viên nang, viên nhộng.
               -Thuốc tiêm (hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc chủng ngừa).
               -Thuốc dùng ngoài:
                   .Thuốc xoa ngoài da.
                   .Thuốc cao để dán trị bệnh hoặc để xoa chống côn trùng.
                   .Thuốc sát trùng da hoặc các vết thương.
                -Thuốc trị giác quan thường dùng nước nhỏ giọt hoặc bơm xịt.
                -Thuốc xông như dùng trong trị bệnh hen suyễn.
               -Thuốc đặt như thuốc dùng trị Trĩ, hạ sốt, trị viêm tử cung  .v.v..  .
           Cách dùng thuốc như vậy nếu chỉ nhìn theo bề ngoài thì rất tinh vi khoa học nhưng xét kỷ còn nhiều thiếu xót nếu chưa được quan sát đến chỗ biến đổi dược tính của thuốc khi có kết hợp với các thể dịch của cơ thể và tính hấp thu thuốc theo hai đường nước và máu của cơ thể (tác dụng trị đau của Aspirin rất cao khi được hấp thu qua đường nước nhưng dễ làm loét dạ dày nhưng nếu dùng nó sau khi ăn no thì thuốc trộn lẫn với thức ăn sẽ được hấp thu theo đường máu và tác dụng trị đau của nó rất kém; một số thuốc tương tợ như thuốc trị thấp khớp cũng vậy; các trường hợp lờn thuốc do điều trị không thích hợp hoặc dùng thuốc kháng sinh không đúng cách).
3-DƯỢC PHƯƠNG:
            Tùy thuộc chủ trương của Đông Tây mà có mức độ chú trọng dược phương khác nhau:

        a/Đông Y:
                  -Noi theo truyền thống: tuân thủ Đạo học Khí Hóa lập phương có mục đích chỉnh thể gồm đủ tứ bộ Âm Dương Hàn Nhiệt, thể hiện Đạo Vuông tròn (thuốc trị Dương Hàn - Dương Nhiệt - Âm Hàn - Âm Nhiệt phối hợp thành các cổ phương dùng trong Thương Hàn Luận và Tạp Bệnh Luận, hai thời phương tứ quân và tứ vật .v.v…) . Các phương thuốc này thường dùng ít vị thuốc mà có hiệu năng cao nhờ kết hợp đứng đắn lực điều trị của thuốc với sức hấp thụ của từng cơ thể có bệnh tật.
                   -Đánh mất truyền thống: không lập phương theo tứ bộ để điều chỉnh toàn diện cơ thể mà chỉ lập theo luận cứ quân thần tá sứ của triều đại phong kiến để đối trị với giặc bệnh; Các phương thuốc này có nhiều vị, không được kết hợp rõ ràng nên công năng kém, còn chưa biết sự dằn co hoặc cản trở nhau giữa các vị thuốc. Lập phương như vậy chẳng những lạm dụng thuốc mà còn không đáp ứng được mục đích điều trị là đem lại quân bình điều hòa Âm Dương cho cơ thể.
         b/Tây Y:
                Dựa theo khoa học thực nghiệm nên không chú trọng việc lập phương mà chỉ quan tâm phát huy công năng của từng hoạt chất hoặc dùng đơn phương hoặc có hợp phương thì cũng chỉ theo xu hướng đối trị. Cách làm này nếu thực nghiệm được tận nguồn gốc thì có kết quả rất tốt dẫn đến việc dứt được nhanh chóng cơn bệnh hoặc đem lại cách chủng ngừa; trái lại nếu còn lờ mờ ở chỗ khác nhau giữa các kết quả thí nghiệm với cơ thể đang được điều trị thì tính chỉ định và chống chỉ định của thuốc cũng chưa được rõ ràng.      
* KẾT LUẬN:
               Trong xu thế toàn cầu hóa, kết hợp Đông Tây để xây dựng một nền Y Dược thống nhất là tất yếu. Cụ thể là cổ truyền cần được phát huy theo kịp với hiện đại, hiện đại phải trở lại thừa kế tận nguồn để cùng nhau có sự thăng bằng và điều hòa giữa các cặp Âm Dương xưa nay, Đông Tây, Đạo học và Khoa học. Ngành Y Dược dù theo đà tiến hóa có chia hai cũng gồm một, công năng của thuốc không nên chỉ dựa  theo thí nghiệm mà tách rời tính hấp thu, chuyển hóa nơi thân người. Khoa học dù có tiến hóa đến vai trò lãnh đạo nền Y Dược toàn cầu cũng cần có Đạo học góp phần định hướng để phát triển vững vàng.
______________________________________________________________________________   
                      
No comments so far.
Why don't you be the first to write comments on this blog?
Tạ Minh's photo
4000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét